Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi một số quy định liên quan đến hoạt động của hệ thống QTDND
Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 03/2014/TT-NHNN Theo đó, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2014/TT-NHNN (Thông tư 03), NHNN cho biết, theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 03, Quỹ bảo toàn ngừng thu phí khi tổng nguồn vốn của Quỹ bằng 1,5 lần tổng tài sản có của TCTD là hợp tác xã. “Tuy nhiên, tổng tài sản của hệ thống các TCTD là hợp tác xã luôn biến động, tăng trưởng hàng năm, điều này cũng đồng nghĩa với việc trích nộp phí của các QTDND vào Quỹ bảo toàn sẽ không có thời điểm tạm ngừng”, NHNN Việt Nam cho biết. Vì vậy để phù hợp với tình hình thực tế, thông lệ quốc tế về thời điểm ngừng thu phí tại Quỹ bảo toàn, đồng thời để có cơ sở xác định thời điểm ngừng thu phí tại Quỹ bảo toàn, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03. Cụ thể, theo Thông tư 06, mức phí trích nộp (Quỹ Bảo toàn) hằng năm bằng 0,08% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của Ngân hàng Hợp tác xã, QTDND. Dư nợ cho vay bình quân năm được tính bằng tổng dư nợ cho vay (nhóm 1 và nhóm 2 theo quy định về phân loại nợ của NHNN Việt Nam) tại thời điểm cuối mỗi tháng trong năm chia cho số tháng phải tính thực tế. Riêng đối với Ngân hàng Hợp tác xã, số dư nợ cho vay tại thời điểm cuối mỗi tháng được loại trừ phần dư nợ cho vay điều hòa vốn đối với các quỹ tín dụng nhân dân thành viên. Cũng theo Thông tư 06, việc trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính chỉ được thực hiện khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn trước khi trích nộp thấp hơn 1,5% tổng tài sản có của hệ thống QTDND. Trường hợp, sau khi trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính dẫn đến tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn cao hơn hoặc bằng 1,5% tổng tài sản có của hệ thống QTDND thì Ngân hàng Hợp tác xã, QTDND vẫn thực hiện trích nộp Quỹ bảo toàn đối với năm tài chính đó. Số tiền trích nộp Quỹ bảo toàn được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã, QTDND. Lý giải về những điều chỉnh này, NHNN Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh cơ số từ 1,5 lần thành 1,5% cũng như điều chỉnh mẫu số “tổng tài sản có của hệ thống TCTD là hợp tác xã” so với “tổng tài sản có của hệ thống QTDND” là phù hợp với tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế đối với mức phí tham gia quỹ bảo toàn. NHNN Việt Nam khẳng định, khi điều chỉnh tỷ lệ theo quy định nêu trên, Quỹ bảo toàn có thể xác định được thời điểm ngừng thu phí khi đạt 1,5% tổng tài sản có của hệ thống QTDND, bởi ngoài việc thu phí với tỷ lệ 0,08% trên dư nợ cho vay bình quân của các QTDND, Quỹ bảo toàn còn có nguồn thu từ phần nộp phí bảo toàn của NHHTX + chênh lệch thu từ lãi và chi phí trong hoạt động của Quỹ bảo toàn, lợi nhuận được để lại từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tại ngân hàng hợp tác xã theo quy định pháp luật được sử dụng bổ sung quỹ bảo toàn (khoản 3 Điều 4). Theo quy định nêu trên, thời điểm ngừng thu phí có thể xác định được và rút ngắn thời gian so với quy định hiện hành. Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định về QTDND. Theo đó sửa đổi đầu tiên là về điều kiện để trở thành thành viên QTDND. Điều 31 Thông tư số 04 quy định thành viên QTDND phải có hộ khẩu và thường trú trên địa bàn hoạt động của QTDND với mục đích yêu cầu thành viên của QTDND phải là những người có hộ khẩu và làm ăn, sinh sống trên địa bàn hoạt động của QTDND. Tuy nhiên, tại Điều 15 Luật cư trú quy định: “Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ”. Do vậy, Thông tư số 06 đã điều chỉnh các quy định về hộ khẩu và thường trú của thành viên QTDND tại Điều 31, 37, 45, 46, 48 Thông tư số 04 thành “đăng ký thường trú” cho phù hợp với quy định tại Luật cư trú. Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 31 Thông tư số 04 quy định thành viên QTDND là cán bộ, công chức đang làm việc tại các tổ chức, cơ quan có trụ sở chính đóng trên địa bàn hoạt động của QTDND. Để phù hợp với thực tiễn hoạt động của QTDND, Thông tư 06/2017/TT-NHNN quy định bổ sung thêm đối tượng thành viên QTDND có thể là “viên chức” đang làm việc tại các tổ chức, cơ quan có trụ sở chính đóng trên địa bàn hoạt động của QTDND. Sửa đổi thứ 2 là về quy định chuyển tiếp đối với địa bàn hoạt động. Theo NHNN Việt Nam, quy định chuyển tiếp tại Thông tư số 04 chưa có hướng dẫn đối với trường hợp các QTDND phải thay đổi địa bàn hoạt động thành liên xã do chia tách địa giới hành chính bởi Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau ngày Thông tư số 04 có hiệu lực thi hành. Do đó, để hướng dẫn QTDND có cơ sở thực hiện, Thông tư số 06/2017/TT-NHNN bổ sung Điều 47a Thông tư số 04 theo hướng: (i) Đối với các xã liền kề với xã nơi đặt trụ sở chính: QTDND được tiếp tục hoạt động tại các xã liền kề xã nơi đặt trụ sở chính nếu đáp ứng được điều kiện hoạt động liên xã theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 04. Riêng đối với trường họp QTDND đang thực hiện phương án xử lý theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 47 Thông tư số 04 mà chưa đáp ứng điều kiện hoạt động liên xã thì tiếp tục thực hiện phương án xử lý đã báo cáo NHNN; (ii) Đối với các xã không liền kề với xã nơi đặt trụ sở chính: QTDND phải xây dựng phương án để đảm bảo sau 36 tháng phải chấm dứt hoạt động tại các xã không liền kề với xã nơi đặt trụ sở chính. Sửa đổi, bổ sung thứ ba là về vốn góp thường xuyên của thành viên. Thông tư số 04 không quy định về “vốn góp thường xuyên” mà thay vào đó, thành viên QTDND góp “vốn góp thường niên”. Do vậy, để đảm bảo việc chuyển đổi vốn góp thường xuyên của thành viên QTDND thực hiện theo quy định của pháp luật, Thông tư số 06 bổ sung quy định chuyển tiếp đối với “vốn góp thường xuyên” của thành viên QTDND tại khoản 4 Điều 45 Thông tư số 04. Theo đó, QTDND chuyển vốn góp thường xuyên của thành viên thành vốn góp thường niên. Trường họp vốn góp của thành viên vượt quá quy định về giới hạn góp vốn tối đa, thành viên phải chuyển nhượng vốn góp cho thành viên khác, pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình khác để góp vốn vào QTDND hoặc được hoàn trả vốn góp theo quy định tại Thông tư số 04 trước ngày 01/10/2018. Sửa đổi, bổ sung thứ tư là về quy định cho vay đối với tổ chức, hộ gia đình (hộ nghèo) không phải là thành viên QTDND. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, khách hàng vay vốn tại TCTD là pháp nhân, cá nhân. Đối chiếu với quy định tại Thông tư số 04, khách hàng của QTDND bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, pháp nhân và hộ nghèo không phải là thành viên QTDND có phát sinh vướng mắc với quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Bộ Luật Dân sự đối với trường hợp khách hàng của QTDND là tổ chức (không có tư cách pháp nhân) và hộ gia đình là hộ nghèo (không cử người đại diện theo quy định của pháp luật). Để phù hợp với quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Bộ Luật Dân sự, NHNN đã sửa đổi, bổ sung Điều 37 Thông tư số 04 như sau: QTDND cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân không phải là thành viên, có tiền gửi tại QTDND trên cơ sở bảo đảm bằng số tiền gửi do chính QTDND phát hành. Tổng số tiền cho vay không được vượt quá số dư của số tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của số tiền gửi. Bên cạnh đó, QTDND cho vay thành viên của hộ nghèo có đăng ký thường trú trên địa bàn hoạt động của QTDND trong trường hợp hộ nghèo không phải là thành viên của QTDND. Trường hợp nhiều thành viên của hộ nghèo cùng vay vốn thì các thành viên của hộ nghèo cùng ký hoặc ủy quyền cho một thành viên của hộ nghèo đại diện ký thỏa thuận cho vay với QTDND. Hộ nghèo phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay các thành viên hộ nghèo thực hiện theo chế độ tín dụng hiện hành áp dụng đối với thành viên. Ngoài ra, nhằm thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2016 đã được NHNN phê duyệt, Thông tư số 06 đã bãi bỏ khoản 16, khoản 22 Điều 11 và khoản 3 Điều 16 liên quan đến việc bãi bỏ thủ tục cấp bản sao Giấy phép thành lập và cắt giảm thành phần hồ sơ của thủ tục cấp Giấy phép thành lập.
|
|
Theo Thời báo Ngân hàng
|