VNDirect cho rằng, NHNN có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng thêm 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2023.
Tại chương trình DINSIGHTS Triển vọng ngành Ngân hàng do VNDirect tổ chức ngày 11/5, ông Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối Quản lý Tài sản VNDIRECT cho rằng, bối cảnh hiện nay cho thấy có nhiều dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa.
Theo ông Quang, VNDirect cho rằng, NHNN có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng thêm 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2023 và xác suất cao là ngay trong quý 3.
Trước đó, vào tháng 3, NHNN đã có 2 đợt giảm lãi suất điều hành và theo VNDirect động thái này đã đánh dấu bước ngoặt đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước. Do nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang gia tăng, thị trường kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành sau cuộc họp tháng 5 tới và bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa sau năm 2023. Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Từ đó, NHNN có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành.
Thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường đã giảm rõ rệt. Trong đó lãi suất tiền gửi của nhóm ngân hàng tư nhân nới rộng đà giảm trong tháng 4 trong khi lãi suất nhóm ngân hàng quốc doanh đi ngang. Cụ thể lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng bình quân và kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân giảm lần lượt 51 điểm cơ bản và 19 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 4/2023. Tính từ đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm gần 50 điểm cơ bản so với mức đỉnh hồi tháng 1/2023.
VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ hạ về 7% trong năm 2023, dựa trên những lý do như nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị tường bất động sản ảm đạm. Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu FED đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.
Ông Quang cho rằng, ngân hàng là một ngành trụ cột của nền kinh tế, có tính chu kỳ rất cao. Do đó, khi phân tích triển vọng ngành ngân hàng cần xem xét đến chu kỳ kinh tế của thế giới.
Hiện nhiều nền kinh tế phải đối mặt với những thách thức bao gồm áp lực lạm phát dai dẳng và thắt chặt các điều kiện tài chính và tiền tệ. Tuy nhiên, chu kỳ toàn cầu đã trở nên kém đồng bộ hơn. Trung Quốc tăng tốc trong bối cảnh mở cửa trở lại sau Covid. Trong khi đó Mỹ đang trong giai đoạn cuối chu kỳ tăng trưởng, với khả năng cao là áp lực suy thoái có thể tăng lên vào năm 2023. Kinh tế châu Âu vẫn đang vật lộn với lạm phát cao, buộc các NHTW phải tiếp tục tăng lãi suất. Lãi suất cao và điều kiện tài chính thắt chặt đã và đang tác động tiêu cực đến việc mở rộng kinh doanh và chi tiêu của người tiêu dùng.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là sự khủng hoảng ngành ngân hàng diễn ra tại Mỹ và Châu Âu. 3 ngân hàng gặp vấn đề của Mỹ vừa qua có quy mô tương đương với các ngân hàng khủng hoảng giai đoạn 2008. Nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ sự lo ngại liệu điều này có ảnh hưởng tới ngành ngân hàng toàn thế giới và trong đó có Việt Nam hay không.
Thêm vào đó cần suy xét đến hành động của FED. Trong cuộc họp gần nhất, họ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 5-5,25% và có tín hiệu sẽ dừng tăng. Tuy nhiên, Chủ tịch FED cũng cho biết sẽ còn phụ thuộc vào tình hình thực tiễn. Và động thái của FED sẽ tác động trực tiếp tới môi trường lãi suất của Việt Nam.
Nhịp sống thị trường