Dữ liệu mới được NHNN cập nhật cho thấy dòng tiền nhàn rỗi của người dân tiếp tục chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất xuống thấp. Có ngân hàng ghi nhận huy động vốn dân cư tăng tới 60% trong 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, cuối tháng 8/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 147 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 7 và tăng hơn 627 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2022. Theo đó, tăng trưởng huy động tiền gửi của hệ thống trong 8 tháng đầu năm đạt 5,31%.
Trong đó, số dư tiền gửi của khách hàng dân cư cuối tháng 8 là hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 43,7 nghìn tỷ so với tháng 7, đồng thời đánh dấu chuỗi 21 tháng tăng trưởng dương liên tiếp. Từ đầu năm đến hết tháng 8, tiền gửi của người dân đã tăng tới 11,8%.
Số dư tiền gửi của doanh nghiệp đạt hơn 6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 103 nghìn tỷ so với tháng 7, có sự phục hồi trở lại sau khi sụt giảm trong tháng 7.
Kể từ cuối năm 2022 khi lãi suất huy động đi lên, tiền gửi của dân cư đã liên tục chảy mạnh vào ngân hàng. Tuy nhiên kể cả khi lãi suất huy động bắt đầu giảm mạnh từ quý 2/2023, người dân vẫn đua nhau gửi tiết kiệm. Nguyên nhân được cho là bởi bối cảnh thị trường nhiều biến động, các kênh đầu tư như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản chưa phục hồi khiến dòng tiền nhàn rỗi vẫn hướng đến ngân hàng dù lợi suất thấp.
Ngày 20/10 vừa qua, Vietcombank đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên xuống còn 5,1%/năm, thấp nhất trong lịch sử ngân hàng này. Agribank, VietinBank, BIDV cũng đang niêm yết lãi suất thấp nhất từ trước đến nay, chỉ 5,3%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng.
Tương tự ở các ngân hàng tư nhân lớn, lãi suất cũng liên tục lao dốc và xuống rất thấp. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất của Techcombank, ACB chỉ còn 5,5%/năm. VPBank giảm xuống 5,4%/năm.
Cập nhật về kết quả kinh doanh mới đây, Techcombank cho biết tiền gửi khách hàng của nhà băng này tăng 14,1% trong 9 tháng đầu năm và tăng 7,1% trong quý 3/2023. Trong bối cảnh môi trường lãi suất đã bình thường trở lại và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn nhưng khách hàng vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn vì các cơ hội đầu tư ở các loại tài sản hiện vẫn còn hạn chế, phần lớn là do lo ngại về những bất ổn trong triển vọng bức tranh kinh tế trong và ngoài nước quý 4 và năm sau.
VPBank cũng ghi nhận tiền gửi tăng trưởng rất mạnh trong năm nay. Huy động từ khách hàng tại ngân hàng mẹ VPBank tăng tới 35% trong 9 tháng đầu năm, trong đó được thúc đẩy bởi các khách hàng cá nhân (tăng tới 60% so với đầu năm).
Nhịp sống thị trường